Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

THƯ MỤC CHUYÊN ĐỀ: ĐẤT VÀ NGƯỜI QUẢNG NAM


Có một vùng đất miền Trung men dọc theo chân dãy Trường Sơn, nơi có phố cổ Hội An bên dòng sông Hoài trầm mặc, nơi có thánh địa Mỹ Sơn với những ngôi tháp Chàm huyền bí uy nghiêm giữa rừng già và hồ Phú Ninh bao la xanh thẳm như một thiếu nữ thướt tha ẩn mình giữa rừng núi đại ngàn…
Giá trị văn hóa của vùng đất ấy không chỉ tỏa sáng từ những công trình kiến trúc cổ đã trở thành di sản văn hóa thế giới mà còn được tạo nên bởi những sắc màu văn hóa độc đáo ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội và truyền thống lịch sử hào hùng trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của con người nơi đây. Nơi ấy là Quảng Nam, mảnh đất thắm thiết nghĩa tình, nơi lòng người mặn mà ý nhị gửi vào câu hát dân ca:
“ Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”
Đất và người Quảng Nam luôn là những bí ẩn đầy đam mê đối với những người con xứ Quảng mong muốn lật tìm những trang thời gian để khám phá lịch sử, truyền thống quê hương mình. Nhằm đáp ứng những nhu cầu đó,  Thư viện Núi Thành xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tập thư mục chuyên đề “ĐẤT VÀ NGƯỜI QUẢNG NAM. Đây là tập thư mục tóm tắt giới thiệu những ấn phẩm viết về truyền thống lịch sử hào hùng, giá trị văn hoá độc đáo và những danh nhân hào kiệt của Đất Quảng và quê hương Núi Thành của chúng ta.
Các tài liệu được giới thiệu sau đây hiện được lưu giữ và phục vụ tại Thư viện huyện Núi Thành.  Xin trân trọng giới thiệu đến tất cả bạn đọc./.
                                                                      THƯ VIỆN NÚI THÀNH        

 Tháng 01/2016



1. XỨ QUẢNG THEO DÒNG LỊCH SỬ


Tác giả: Lưu Anh Rô
Nhà xuất bản: Đà Nẵng
Năm xuất bản: 2015
Số trang: 404 tr.
Kho sách: Kho Địa chí
Số đăng ký: ĐC 2016/ 02




* Tóm tắt nội dung:

          “Xứ Quảng – Theo dòng lịch sử”, là tập hợp những bài nghiên cứu từng được in trên các tạp chí chuyên ngành, là các tham luận khoa học tại các hội thảo quốc gia, quốc tế mà tác giả từng tham gia. Bao gồm các nhóm vấn đề như: địa dư, nhân vật, phong trào, sự kiện... được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2015. Trong tập sách, Tác giả Lưu Anh Rô đã cung cấp cho người đọc nhiều sử liệu quan trọng được công bố lần đầu liên quan đến xứ Quảng. Chẳng hạn, sử liệu về quần đảo Hoàng Sa; cuộc chiến tranh bảo vệ Đà Nẵng năm 1858 - 1860; hồ sơ thực dân Pháp theo dõi những người Quảng yêu nước như Thái Phiên, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thanh, Lê Văn Hiến...

Người đọc cũng sẽ thấy ở tập sách này không ít sử liệu mới về sự kiện Tết Mậu Thân - 1968 tại Huế và Đà Nẵng; sự kiện “Chính biến miền Trung năm 1966” - thường gọi là “Sự kiện 76 ngày đêm làm chủ Đà Nẵng” hay sự kiện tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1975… Trong đó, phải kể đến góc nhìn về quá trình Quảng Nam mở cõi nhằm tìm về với văn hóa bản địa Đông Nam Á cũng như nỗ lực chống Hán hóa về văn hóa. Đây cũng là vùng đất luôn nhận lãnh sứ mệnh tiên phong thông qua các phong trào cách mạng khởi phát từ xứ Quảng như Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, phong trào kháng thuế cự sưu năm 1908...

2. CÓ 500 NĂM NHƯ THẾ
Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử



Tác giả: Hồ Trung Tú
Nhà xuất bản: Thời đại
Năm xuất bản: 2011
Số trang: 260 tr.
Kho sách: Kho Mượn
Số đăng ký: VV 2012/ 09




* Tóm tắt nội dung:

Hơn 500 năm hình thành và phát triển là một chặng đường khá khiêm tốn so với lịch sử kiến tạo của những cái nôi văn hóa lớn trong cả nước. Nhưng với Quảng Nam, 500 năm ấy đã soi dấu nhiều biến cố lịch sử không kém phần dữ dội để chứng kiến sự giao thoa mạnh mẽ giữa hai nền văn hóa Việt – Chàm. Và kết quả là hình thành nên một vùng văn hóa với bản sắc vừa độc đáo vừa đa dạng từ phong tục tập quán đến tính cách con người, và nhất là một giọng nói đậm đặc chất Quảng Nam không thể nào trộn lẫn.

Đã có nhiều công trình có giá trị viết về lịch sử và văn hóa đất Quảng và trong dòng mạch ấy, tác giả Hồ Trung Tú  đã kế thừa kết quả của các nghiên cứu  của những học giả đi trước trên tinh thần tư duy phản biện khoa học sắc sảo để một lần nữa lật lại những vấn đề tưởng như đã ổn thỏa về lịch sử và văn hóa Quảng Nam để bày tỏ những chính kiến, lý giải mới mẻ của mình. Đó chính là ấn tượng đặc biệt của cuốn sách: “Có 500 năm như thế: Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử”. Sách do nhà xuất bản Thời đại ấn hành năm 2011.

Với phương pháp phân kỳ lịch sử, tác giả soi vào từng giai đoạn và tìm ở đó đặc điểm nổi bật đến độ đủ để in vào trong tâm thức người Quảng Nam những dấu ấn rất riêng mà ta hay gọi là bản sắc. Cuốn sách được chia thành hai phần: phần thứ nhất viết về những chuyến di dân từ bắc miền Trung vào Quảng Nam và đến Phú Yên theo từng thời kỳ lịch sử quan trọng, qua đó tìm cách giải thích điều làm nên bản sắc người Quảng Nam, phần thứ hai viết về giọng nói đặc trưng của người Quảng Nam.
3. NGƯỜI QUẢNG NAM


Tác giả: Lê Minh Quốc
Nhà xuất bản: Đà Nẵng
Năm xuất bản: 2009
Số trang: 387 tr.
Kho sách: Kho Mượn
Số đăng ký: VV 2014/ 677




* Tóm tắt nội dung:

Tập sách “Người Quảng Nam” của tác giả Lê Minh Quốc – Một người con của đất Quảng, là một biên khảo rất công phu, nói rất đúng về con người đất Quảng. Cuốn sách gần 400 trang này “ôm” rất nhiều vấn đề về đất và người Quảng Nam, một vùng đất địa linh nhân kiệt. Tác giả cho thấy mình là người chịu khó tra cứu, sưu tầm tư liệu. Thêm vào đó, tác giả đan cài những nhận xét, cảm nhận của một người con xa quê làm trang sách thêm độ xác thực, mà không “ngấy” với cảm giác câu nệ vào tư liệu.

Trong tập biên khảo này đã gợi mở ra nhiều vấn đề thú vị, đã chứng minh được những đóng góp của người Quảng nói chung trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt.  Các sự kiện lớn cùng cách danh nhân xuất hiện trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Nam bắt đầu từ năm 1471- thời điểm vua Lê Thánh Tông đặt tên Quảng Nam thừa tuyên đến đầu thế kỷ 21 được lê Minh Quốc trình bày qua 29 mục với 387 trang do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2009.
Điều đáng ghi nhận là tác giả luôn đặt Quảng Nam trong tổng thể dòng chảy của lịch sử nước nhà để xem xét, từ đó đúc kết những dấu ấn về vai trò của vùng đất, nơi sớm nhất hình thành chứ Quốc Ngữ, nơi trước nhất nổ súng đánh Pháp mở đầu giai đoạn lịch sử cận đại Việt Nam, nơi Mỹ đổ bộ đầu tiên trong chiến lược chiến tranh cục bộ, nơi nhiều bà mệ Việt Nam anh hùng nhất, nơi trước nhất vận dụng tư tưởng canh tân nước nhà đầu thế kỷ 20, nơi sản sinh ra nhiều danh nhân Việt Nam như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, các nhà văn nhà báo danh tiếng như Phan Khôi, Bùi Giáng, Lưư Quý Kỳ, Nguyễn Văn Xuân...

4. BIÊN NIÊN SỰ KIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NAM
(1975-2005)


Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Q. Nam
Nhà xuất bản:  Tỉnh uỷ Quảng Nam
Năm xuất bản: 2007
Số trang: 703 tr.
Kho sách: Kho Địa chí
Số đăng ký: ĐC 2016/ 03





* Tóm tắt nội dung:
Từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vượt qua bao khó khăn thử thách, cùng với cả nước tiến bước trên con đường xây dựng CNXH, tỉnh Quảng Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tổng kết những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam trong 30 năm sau chiến tranh, Tỉnh uỷ Quảng Nam chủ trương và giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức biên soạn công trình “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (1975-2005).
Để giúp bạn đọc năm bắt một cách xuyên suốt quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam từ năm 1975 đến nay. Tập thể tác giả  đã xây dựng nội dung cuốn sách theo 4 giai đoạn chính:
1. Từ những ngày cuối tháng 3/1075 đến tháng 3/1979: Nhân dân Quảng Nam vừa lao động khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, cải tạo kinh tế, xác lập quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, vừa góp phần cùng cả nước phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
2. Từ tháng 3/1979 đến tháng 12/1986: Đảng bộ và nhân dân tiếp tục cải tạo nề kinh tế, nhất là trên lĩnh vực phân phối lưu thông, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
3. Từ năm 1987 đến tháng 12/1996: Là giai đoạn triển khai đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.
4. Từ tháng 01/1997 đến tháng 12/2005: Là giai đoạn tỉnh Quảng Nam cùng Thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, trên cơ sở tách từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
5. LỊCH SỬ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Tập I: Kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

Tác giả: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Q.Nam
Nhà xuất bản:  Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2001
Số trang: 292 tr.
Kho sách: Kho Mượn
Số đăng ký: VV 2015/ 2124






* Tóm tắt nội dung:

Từ ngày khai sinh lập địa đến nay Quảng Nam và Đà Nẵng là một, nó gắn kết không chỉ ở lịch sử, địa lý hành chính mà còn cả về giống nòi dòng tộc. Mỗi bước đi của Đà Nẵng, mỗi chặng đường đấu tranh của Đà Nẵng là mỗi chặng đường đấu tranh của Quảng Nam và ngược lại. Dó đó, lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Nam và Đà Nẵng luôn luôn sát cánh chiến đấu bên nhau, kể từ khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng (1/9/1858).
Thực hiện Chỉ thị của Ban thường vụ Đảng uỷ - Bộ Tư lện Quân khu 5 về việc viết lại  lịch sử chiến tranh nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh thành theo địa lý hành chính mới. Ban thường vụ Đảng uỷ - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tiến hành biên soạn và cho xuất bản tập sách “ Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Nam - Tập 1: Kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) vào năm 2001.
Nội dung cuốn sách được chia làm 6 chương: Chương mở đầu: Quảng Nam – sơ lược địa lý, hành chính, văn hoá và truyền thống chống ngoại xâm. Chương I: LLVT tỉnh Quảng Nam ra đời trong quá trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc (1930-1945). Chương II: LLVT tỉnh Quảng Nam trong hai năm đầu kháng chiến góp phần đánh bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp (1945-1947). Chương III: đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng tạm chiếm, từng bước giành quywnf chủ động trên chiến trường (1948-1950). Chương IV: Giữ vững quyền chủ động, phát triển thế tiến công góp phần đánh bại thục dân Pháp trên chiến trường Quảng Nam (1951-1954) và Chương kết luận.
6. LỊCH SỬ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Tập II: Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)


Tác giả: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Q. Nam
Nhà xuất bản:  Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2003
Số trang: 442 tr.
Kho sách: Kho Mượn
Số đăng ký: VV 2015/ 2125






* Tóm tắt nội dung:

Sau khi cuốn Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Nam tập I ra mắt bạn đọc, Ban Thường vụ Đảng uỷ - Bộ chỉ uy quân sự tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai nghiên cứu biên soạn tiếp cuốn“ Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Nam - Tập II: Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) vào năm 2003.
Cuốn sách miêu tả toàn bộ những diễn biến, những bài học kinh nghiệm, những thành công và những khuyết điểm trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã giúp cho cúng ta hình dung ra được một thời máu lửa mà các thế hệ cha anh đã đi qua, đã làm nên chiến thắng.
Bố cục tập II này được tiếp tục với các chương V, VI, VII, VIII, IX với nội dung chính như sau: Chương V: Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, chống quốc sách “tố cộng”,”diệt cộng” của Mỹ- Diệm (6/1954-6/1959).Chương VI: Vũ trang diệt ác phá kèm, đồng khởi giải phóng nông thôn đồng bằng, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Nguỵ (6/1959-3/1965).Chương VII: Phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân cùng cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ (1965-1968).Chương VIII: Giữ vứng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ (1969-1973). Chương IX: Đánh bại âm mưu lấn chiếm của địch, tiến công giải phóng tứng khu vực, tạo thế, tạo lực tổng tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam (1973-1975) và Chương kết luận.

7. LỊCH SỬ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Tập III: 30 năm xây dựng và trưởng thành (1975-2005)



                                Tác giả: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Q. Nam
Nhà xuất bản:  Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số trang: 334 tr.
Kho sách: Kho Địa chí
Số đăng ký: ĐC 2016/ 22





* Tóm tắt nội dung:

Tiếp tục thực hiện công trình biên soạn bộ sách Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Nam. Năm 2008, Ban Thường vụ Đảng uỷ - Bộ chỉ uy quân sự tỉnh Quảng Nam tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “ Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Nam - Tập III: 30 năm xây dựng và trưởng thành (1975-2005).
Cuốn sách đã thể hiện rất rõ nét những thành quả đã đạt được của LLVT tỉnh qua 30 năm khắc phục hậu quả chiến tranh, làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và là lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân và chế độ XHCN, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.
8. DINH TRẤN THANH CHIÊM - Kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong



Tác giả: Châu Yến Loan
Nhà xuất bản:  Đà Nẵng
Năm xuất bản: 2015
Số trang: 383 tr.
Kho sách: Kho Địa chí
Số đăng ký: ĐC 2016/ 13



* Tóm tắt nội dung:

Nằm cách Hội An chưa đầy 10km về phía tây, dinh trấn Thanh Chiêm xưa và nay là làng Thanh Chiêm được chúa Tiên - Nguyễn Hoàng xây dựng vào năm Nhâm Dần 1602 và cử hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) làm trấn thủ để cai quản và mở mang bờ cõi về phương Nam. Theo nhiều sử sách, vùng đất Thanh Chiêm cũng là nơi các giáo sĩ phương Tây soạn chữ Quốc ngữ mà ngày nay chúng ta đang sử dụng. 
Cuốn sách “Dinh trấn Thanh Chiêm – kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong” được NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2015 đã được tác giả Chây Yến Loan khắc hoạ rất rõ nét và làm sống lại một thời vàng son của một vùng đất mà nay chẳng còn dấu tích, đang chìm trong tĩnh lặng, yên ả như bao làng quê khác.
Quyển sách gồm hai phần và bốn phụ lục: Phần I dàng riêng để nói về công sức to lớn của chúa Nguyễn Hoàng, người khai sáng Dinh Chiêm. Phần II (phần chính) nói về tiến trình lịch sử Dinh Chiêm cùng vai trò trọng đại của Dinh Chiêm suốt 200 năm vừa là hậu phương của Chính Dinh ở Thuận Hoá hỗ trợ chúa Nguyễn trong cuộc chiến chống lại họ Mạc, họ Trịnh ở Đàng Ngoài, vừa là tiền phương của họ Nguyễn trong vai trò mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Các phụ lục góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề của Dinh trấn Thanh Chiêm. Đặc biệt, trong phần II có 7 chương, tác giả dành trọn 5 chương để nói về một sự kiện hy hữu đã mang đến cho Thanh Chiêm cái vinh dự trở thành Thánh địa của chữ Quốc ngữ, khi giáo đoàn Buzomi đến truyền bá đạo Kitô và giáo sĩ Francisco de Pina đã đặt nền móng cho việc sáng chế ra chữ quốc ngữ.
9. NHỮNG MẪU CHUYỆN KỂ VỀ DANH NHÂN XỨ QUẢNG



Tác giả: Lê Thí
Nhà xuất bản:  Đà Nẵng
Năm xuất bản: 2015
Số trang: 229 tr.
Kho sách: Kho Địa chí
Số đăng ký: ĐC 2016/ 12
\




* Tóm tắt nội dung:

Lịch sử của vùng đất Quảng Nam không chỉ được tạo bởi những sự kiện lịch sử có tầm vóc sử thi, những sắc màu văn hóa độc đáo, mà còn được ghi dẫu bởi những cá nhân kiệt xuất, những con người đã góp phần làm rạng danh quê hương xứ Quảng.
Tác giả Lê Thí với tâm huyết muốn sưu tầm những câu chuyện lịch sử về danh nhân xứ Quảng để kể lại cho bạn bè, các cháu thanh thiếu niên, những người bạn trẻ thiệt thòi hơn vì chưa bao giờ được thưởng thức cùng lúc khoai lang, nước chè xanh và chuyện kể lịch sử bên bờ ruộng, dưới rặng tre làng, trong những đêm trăng sáng...Những lớp người bị dư luận than phiền “ít hiểu biết về lịch sử, ít thích học môn lịch sử..”. để rồi từ đó cho ra đời tập sách “Những mẫu chuyện về danh nhân xứ Quảng” do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2015. Đây là tập hợp những mẫu chuyện kể rất đỗi bình thường mà tác giả từng đọc, từng được nghe kể ở đâu rồi kể lại.
10. VĂN HOÁ, VĂN NGHỆ DÂN GIAN ĐẤT QUẢNG DƯỚI GÓC NHÌN ĐƯƠNG ĐẠI



Tác giả: Bùi Văn Tiếng
Nhà xuất bản:  Đà Nẵng
Năm xuất bản: 2015
Số trang: 252 tr.
Kho sách: Kho Địa chí
Số đăng ký: ĐC 2016/ 14






* Tóm tắt nội dung:
Nhận thức giá trị văn hóa cổ truyền và vận dụng vào đời sống thực tiễn luôn là vấn để có sức thu hút đối với giới nghiên cứu và mọi tầng lớp nhân dần. Dĩ nhiên tùy theo nhu cầu, mục đích cụ thể của từng đối tượng mà cách tiếp nhận có khác nhau. Cuộc sống luôn đặt ra yêu cầu cao hơn đối với nhận thức văn hóa, văn nghệ dân gian nhằm góp phấn thúc đẩy xã hội phát triển trên xu hướng hội nhập. Nhiều công trình nghiên cứu ra đời từ đây và cuốn “Văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng dưới góc nhìn đương đại” của Bùi Văn Tiếng là một minh chứng sống động của đời sổng ấy.
Với hơn 250 trang sách, tác giả nghiền ngẫm, tâm đắc và chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người về đời sống văn hóa truyền thống của quê hương. Sách còn để cập đến nhiều vấn để khác xoay quanh đời sống thực tại xã hội đang vươn lên hội nhập và những thách thức đối với văn hóa truyển thống.
Miên man tản mạn trên mọi vấn đề khiến cho người đọc ngỡ rằng dường như đấy chỉ là cuộc rong chơi của tác giả nhưng thực chất lại khá nhất quán trong suy nghĩ, quy tụ về một hướng nhận thức: người xứ Quảng luôn đau đáu vể tâm thức văn hiến bốn ngàn năm của người Việt xứ Đàng Ngoài nhưng lại sáng tạo phong cách mới trong muôn vàn nhọc nhằn mưu sinh của cuộc sống - sợi chỉ đỏ xuyên suốt đã tạo nên cái nhìn “đương đại” vừa trong sáng vừa tinh tế, hổn nhiên, trung thực của tác giả về di sản văn hóa của cha ông trên vùng đất xứ Qụảng.
11. ĐỒNG CHÍ VÕ CHÍ CÔNG
Với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng


Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Q.Nam
Nhà xuất bản:  Chính trị quốc gia – Sự thật
Năm xuất bản: 2012
Số trang: 252 tr.
Kho sách: Kho Địa chí
Số đăng ký: ĐC 2016/ 14






* Tóm tắt nội dung:
Đồng chí Võ Chí Công – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí luôn gắn liền với chiến trường Khu 5, với quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng trung dũng, kiên cường.
Từ cương vị Bí thư chi bộ ở cơ sở, đến luác là Bí thư Khu uỷ kiêm Chính uỷ Khu 5, đồng chí vẫn bám đất, bám dân, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa bàn. Tác phong, đạo đức cách mạng mẫu mực của người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo tài ba Võ Chí Công luôn ghi đậm, khắc sâu trong tâm trí của biết bao đồng chí, đồng bào, nhân dân Khu 5. Sau ngày thống nhất đất nước, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách: Phó Thủ tướng Chính Phủ, Thường trực Ban Bí Thư rồi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng. Trân bất kỳ cương vị nào, đồng chí đều có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung cuốn sách “Đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng” tập trung phân tích, làm rõ thân thế, sự nghiệp, phẩm chất kiên cường, bất khuất, tấm gương về đạo đức cách mạng; công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc cũng như những cống hiến của đồng chí đối với quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng.
12. PHAN KHÔI -NHỮNG ĐÓNG GÓP TRÊN LĨNH VỰC
VĂN HOÁ DÂN TỘC




Tác giả: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Nhà xuất bản:  Công ty in –PHS&TBTH Q. Nam
Năm xuất bản: 2015
Số trang: 715 tr.
Kho sách: Kho Địa chí
Số đăng ký: ĐC 2016/ 10





* Tóm tắt nội dung:
Quảng Nam là vùng đất trong lịch sử đã sản sinh ra nhiều danh nhân, chí sĩ, nhà yêu nước cách mạng và trí thức, trong đó nhà văn, nhà báo Phan Khôi là một trong những trí thức ưu tú xuất sắc.
Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Khôi gắn với một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc vào những năm đầu thế kỷ XX. Ông đã góp nhiều công sức và góp phần làm thay đổi diện mạo tiến trình văn hoá Việt Nam. Về tính cách, Phan Khôi là một trong những người tiêu biểu cho “Quảng Nam hay cãi” và với tính cách ấy, ông là người có tinh thần hiếu học, chịu khó học tập và nghiên cứu, hăng hái, trách nhiệm với công việc. Ông mang trong mình tính chất nỗi trội của Xứ Quảng, đó là tính khẳng khái, tính bộc trực, giản dị, cương quyết, chân thành và giàu nghị lực, không bảo thủ, ưu thích tranh luận, nhiệt huyết trong khám phá tìm tòi, tiên phong khai mở để vươn tới cái mới, cái hoàn mỹ... điều đó thể hiện tính chất phản biện mà đôi khi có tính “ương ngạnh” của Phan khôi trên lĩnh vực hoạt động báo chí và học thuật.
Cuốn sách “Phan Khôi – Những đóng góp trên lĩnh vực văn hoá dân tộc” là tập hợp những bài tham luận tiêu biểu trong Hội thảo khoa học “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hoá dân tộc” do Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam tổ chức. Cuốn sách gồm hai phần chính:
Phần I: Cuộc đời Phan Khôi.
Phần II: Những đóng góp của Phan Khôi trên lĩnh vực văn hoá dân tộc.
13. NHỮNG NGƯỜI HAY CÃI


Tác giả: Vu Gia
Nhà xuất bản:  Đà Nẵng
Năm xuất bản: 2014
Số trang: 245 tr.
Kho sách: Kho Địa chí
Số đăng ký: ĐC 2016/ 16






* Tóm tắt nội dung:
Vu Gia là một nhà văn, nhà báo sinh ra trên mảnh đất Quảng Nam  thành danh tại Sài Gòn. Cuốn sách “Những người hay cãi” gồm những bài viết ngắn về đất và người xứ Quảng từ thời xa xưa cho đến cuộc sống hiện đại ngày nay như: Nói lái, ăn mì quảng ở Washington D.C, Đi câu, gác cu, Chơi dế, Chửi cha không bằng pha tiếng, Nhìn người cũ lại nghĩ đến ta...Bên cạnh đó, tác giả còn giới thiệu đến bạn đọc chân dung những nhân vật xuất chúng, những danh nhân Xứ Quảng một thời và hiện nay như: GD-NGND Lê Trí Viễn, Người thầy của những bậc thầy, Nhớ cụ Võ Chí Công, Nghệ nhân ưu tú xứ Quảng Nguyễn Long Bửu...
Với tập sách “Những người hay cãi” do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2014, bạn đọc sẽ tìm thấy chút thú vị về cách sống, sức sống của con người xứ Quảng. Tập sách là những đúc kết, tâm tư, tình cảm và cả  kinh nghiệm sống tràn đầy của ngòi bút tiếng tăm Vu Gia được thể hiện qua cách hành văn dí dỏm, giản dị và có phần khiêm tốn.
Không biết tự bao giờ , dân Quảng Nam được truyền tụng là dân hay cãi, xin mời bạn đọc hãy cùng “cãi” với Vu Gia qua 39 bài viết ngắn trong cuốn sách này nhé.
14. CA DAO DÂN CA KHÁNG CHIẾN ĐẤT QUẢNG (1945-1975)



Tác giả: Hoàng Hương Việt
Nhà xuất bản:  Đà Nẵng
Năm xuất bản: 2015
Số trang: 352 tr.
Kho sách: Kho Địa chí
Số đăng ký: ĐC 2016/ 15






* Tóm tắt nội dung:
Cũng như nhiều di sản khác trong kho tàng văn nghệ dân gian của ta, ca dao, dân ca kháng chiến đất Quảng là những câu ca nguyên bản của con người Quảng Nam – Đà Nẵng sáng tác, sáng tạo tại chổ đã và đang lưu hành, truyền miệng ở mọi miềng đất Quảng. đã góp phần tuyên truyền, cổ động, giáo dục, động viên, truyền cảm đến quân và dân dất Quảng, phát huy truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng và Bác Hồ, quyết tâm chiến đấu đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ròng rã suốt 30 năm.

Đây là lần đầu tiên, ca dao, dân ca kháng chiến đất Quảng được tập hợp và biên soạn trong một cuốn sách có hệ thống. Những bài ca dao, dân ca được in trong tập sách này, phần lớn là sáng tác, ứng tác tại chỗ của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đất Quảng. Nội dung, bố cục cuốn sách khá chặt chẽ, được chia làm 5 chương, cụ thể như:
Chương I: Lược ghi đôi nét về Quảng Nam.
Chương II: Vài đặc điểm ca dao, dân ca kháng chiến đất Quảng.
Chương III: Về “dân gian hoá” ca dao, dân ca kháng chiến đất Quảng.
Chương IV: Sưu tầm, phân loại ca dao, dân ca kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở đất Quảng.
Chương V: Lời dẫn và chú thích một số bài ca dao,, dân ca kháng chiến đất Quảng.


1 nhận xét: