Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Trung Nghĩa. Nói là gieo, nghe là gặt.- Nxb: Văn hoá - Thông tin, 2011.- 145tr.


Trong giao tiếp, việc ứng xử thông minh, tế nhị, có hiệu quả là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên trong cuộc sống, trong giao tiếp hàng ngày chúng luôn phải ứng phó với nhiều tình huống khác nhau đòi hỏi cần có sự lưu tâm, rèn luyện những kỹ năng giao tiếp. Như một câu ngạn ngữ đã nói: “Nghe nhiều, hỏi nhiều, nói ít, nói lịch sự - khiêm nhường – êm dịu – hợp lẽ. Đó là xương sống của thuật giao tiếp thân thiện”. Cho thấy nghệ thuật giao tiếp trước tiên là dựa trên lòng chân thành thiện cảm.
Quyển sách “Nói là gieo, nghe là gặt” do Trung Nghĩa biên soạn, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2011 đem đến cho người đọc những kiến thức hữu ích trong giao tiếp. Sách dày 145 trang, nội dung gồm 7 phần:

Phần một trình bày khái niệm về giao tiếp, sự cần thiết của các yếu tố chân thành, hướng thiện và khéo léo trong nghệ thuật giao tiếp đi đến thành công.
Phần hai phân tích, đề cập chi tiết về mối quan hệ giao tiếp trong gia đình, cách ứng xử giao tiếp trong họ tộc nội – ngoại. Dựa trên truyền thống đạo lý của người Việt, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, giữa vợ và chồng, giữa ông bà cha mẹ và con cháu, giữa anh chị em với nhau phải có sự hài hòa, thuận thảo. Còn đối với họ hàng thân tộc cũng như thông gia cần thiết phải giữ mối liên hệ thể hiện sự quan tâm chân thành và cách cư xử giao tiếp sao cho phù hợp với mối quan hệ.
Phần ba viết về giao tiếp giữa thầy và trò chủ ý nhắc nhớ mỗi chúng ta không thể quên công ơn thầy cô giáo, những người ngày đêm tận tụy truyền dạy kiến thức giúp chúng ta thành người. Vì thế đã từng hay đang là những học sinh sinh viên của các thầy cô giáo, chúng ta hãy lưu tâm ứng xử sao cho phải đạo.
Phần bốn với tiêu đề “Giao tiếp với bằng hữu và cộng đồng” đem đến cho người đọc những điều cốt lõi trong mối quan hệ giao tiếp ứng xử với mọi người ngoài xã hội. Đó là giao tiếp với bạn bè, với hàng xóm láng giềng, với đối tác, với đồng nghiệp trong công sở và đối với những người không quen biết nơi công cộng. Tùy theo mối quan hệ và ứng với những hoàn cảnh khác nhau, quyển sách phân tích và hướng dẫn người đọc những kỹ năng cơ bản cần thể hiện để giao tiếp đạt hiệu quả.
Trong phần năm, sách tập trung đề cập đến điều nên tránh trong giao tiếp đó là “Không biết lắng nghe”. Điều này thể hiện qua các biểu hiện xấu như độc đoán, thờ ơ, hẹp hòi thậm chí mang bệnh nói nhiều. Vì thế trong giao tiếp cần thiết phải biết lắng nghe người khác nói. Nghe không những giúp chúng ta thu thập được các tín hiệu tin tức mà còn giúp ta biết được cả thái độ và phương cách xử lý các thông tin ấy của đối tượng.
Phần sáu trình bày những điểm chính cần ghi nhớ “để giao tiếp đạt như ý”. Trước hết là tìm hiểu về người mà ta sẽ tiếp xúc: Họ thuộc giới người nào? Khả năng trình độ ra sao?... Kế tiếp là tạo thiện cảm qua thái độ chân thành, khiêm tốn, trang phục lịch sự, gương mặt tươi tắn, cởi mở...
Trong phần cuối sách cũng đề cập đến thế mạnh của chị em phụ nữ trong giao tiếp với những thiên tính như diệu dàng, ôn hòa, tế nhị... cần phát huy.
Đọc quyển sách “Nói là gieo, nghe là gặt” chắc chắn bạn đọc sẽ lĩnh hội được những kiến thức thiết thực để tự tin và giao tiếp hiệu quả hơn. Sách được Thư viện Núi Thành phục vụ bạn đọc. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét