Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Bộ y tế yêu cầu trẻ tiêm đầy đủ, đúng lịch

Tu khoa: Y te du phong
Bộ Y tế yêu cầu trẻ tiêm đầy đủ, đúng lịch 11/03/2015
Tất cả các điểm tiêm chủng đều phải đảm bảo quy định của Bộ Y tế theo Thông tư 12. Dù tiêm chủng mở rộng hay tiêm chủng dịch vụ đều bình đẳng.
 
Trước tình trạng thiếu vaccine dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 do nguồn cung cấp vắc xin nhập khẩu khan hiếm và không ổn định, ngày 9/3, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở tiêm dịch vụ phải tổ chức tiêm vaccine miễn phí của Chương trình tiêm chủng mở rộng tương ứng.
Ngay ngày 10/3, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã thực hiện việc này. Vậy, vì sao vaccine dịch vụ lại khan hiếm như vậy và việc tổ chức tiêm vaccine của Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các  tiêm dịch vụ sẽ được triển khai như thế nào?
Phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về vấn đề này.

PGS.TS Trần Đắc Phu

PV: Thưa ông, vì sao thời gian qua vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1 tại các cơ sở tiêm dịch vụ lại khan hiếm như vậy? Theo ông, việc tiêm vaccine dịch vụ và vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng có điểm gì khác nhau?

PGS, T.S Trần Đắc Phu: Tiêm chủng mở rộng đã có từ những năm 1980 và hiện nay là có 12 loại vaccine tiêm chủng cho trẻ em. Chúng ta đạt được thành quả thanh toán bại liệt vào năm 2000 và loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, đó là thành quả của tiêm chủng mở rộng, chứ ngày xưa làm gì có vaccine dịch vụ. Thứ hai là vaccine tiêm dịch vụ là theo hình thức cung – cầu và đang điều tiết bởi thị trường.
Hiện nay, chúng tôi thống kê có khoảng 20 loại vaccine dịch vụ còn lại tiêm chủng mở rộng có 12 loại, nhưng vaccine tiêm chủng mở rộng là vaccine cần thiết nhất để giải quyết những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên Nhà nước đang đảm bảo.
Vừa qua, không phải các vaccine dịch vụ đều thiếu mà chỉ tập trung vào 2 loại đó là 5 trong 1 và 6 trong 1. Ở Việt Nam, mỗi năm có 1,6 triệu trẻ ra đời và tỷ lệ được tiêm đầy đủ vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đạt trên 96%. Trong khi đó 2 loại vaccine dịch vụ vừa nêu tổng cộng năm 2014 chỉ khoảng 400-500.000 liều, tương đương khoảng hơn 100.000 trẻ được tiêm, số lượng rất nhỏ so với số lượng tiêm chủng mở rộng.
Chỉ có 1 số gia đình ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho con tiêm vaccine dịch vụ, còn lại cơ bản trẻ em ở các tỉnh tiêm vaccine mở rộng nên không thể nói rằng việc vaccine dịch vụ đảm bảo cung cấp số lượng lớn. Chính tiêm chủng mở rộng đã làm giảm một số bệnh truyền nhiễm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần.
Hiện nay, một bộ phận người dân cho rằng, vaccine dịch vụ tốt hơn, cũng có ý kiến cho rằng điểm tiêm chủng dịch vụ là tốt hơn nhưng không phải. Tất cả các điểm tiêm chủng đều phải đảm bảo quy định của Bộ Y tế theo thông tư 12. Dù tiêm chủng mở rộng hay tiêm chủng dịch vụ đều bình đẳng.
Vừa qua, cũng có vấn đề về vaccine dịch vụ có chứa thành phần ho gà vô bào, còn vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vaccine ho gà toàn tế bào. Nhưng, vaccine ho gà toàn tế bào phản ứng miễn dịch tốt hơn mà ngày nay quốc tế đã khẳng định. Còn phản ứng nặng sau tiêm thì nó giống nhau giữa ho gà toàn tế bào và vô bào. Và cũng có thể người dân thấy rằng không có phản ứng thì sẽ tốt hơn nhưng tôi cho rằng hoàn toàn là không phải như vậy.

PV: Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở dịch vụ phải tổ chức tiêm vaccine của Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các tiêm dịch vụ. Vậy việc này được triển khai như thế nào? Người dân có được miễn phí khi tiêm theo hình thức này không?
PGS T.S Trần Đắc Phu: Trước tiên tôi khẳng định, quyết định này không phải là để giải quyết vấn đề thiếu vaccine hay đủ vaccine, mà quyết định này là đặt sức khỏe của trẻ em lên hàng đầu, nghĩa là để cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch tiêm chủng.
Bởi vì vừa qua do tình trạng các bà mẹ chờ đợi vaccine dịch vụ, không cho con em đi tiêm chủng vaccine mở rộng dẫn tới các trẻ có thể bị mắc một số bệnh và đặc biệt là vừa qua có bệnh ho gà hoặc sởi. Bộ Y tế đã quyết định các điểm tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch mà không đảm bảo đầy đủ vaccine dịch vụ đó thì phải tiêm các vaccine tương ứng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
 

Tiêm chủng mở rộng miễn phí theo quy định
 
Sáng 10/3, Hà Nội đã triển khai việc này. Còn chắc chắn tiêm chủng mở rộng là tiêm miễn phí, đây là quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Khi các điểm tiêm chủng dịch vụ tổ chức vấn đề này thì sẽ vất vả, nhưng phải đặt lợi ích của trẻ em và lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu.
Trong thời gian tới, chúng tôi tổ chức những đoàn đi kiểm tra tất cả các tỉnh, các viện Pasteur về vấn đề tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng dịch vụ và kết quả thự hiện chiến dịch tiêm vaccine sởi, rubella.

PV: Việc tiêm vaccine của Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các tiêm dịch vụ sẽ thêm việc cho các cơ sở dịch vụ. Nếu các cơ sở này không thực hiện tốt thì sẽ bị xử lý ra sao, thưa ông?
PGS T.S Trần Đắc Phu: Theo thông tư 12, trách nhiệm của các điểm tiêm chủng là thuộc quyền của Sở y tế của các tỉnh, thành phố. Dù là điểm tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hay của cơ quan trung ương nào nhưng đóng trên địa bàn nào thì trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành đó.
Việc giao, cung ứng vaccine đầy đủ của điểm tiêm chủng mở rộng cho các điểm đó là Cục Quản lý Dược và Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nhưng cũng thông qua Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Còn việc kiểm tra, đánh giá, giám sát cũng là thuộc quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Nếu đơn vị nào không thực hiện được thì Sở Y tế sẽ tước giấy phép, không cho thực hiện tiêm chủng nữa./.

PV: Xin cảm ơn ông./. 
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét